9 tháng 8, 2014

trích "Trước ngã ba lịch sử" của Trọng Lang - chương ba

Sau khi Ngày Nay đăng bài “Lạc vào động Chúa Hàng Bạc”, tôi đến Tòa soạn Ngày Nay vào một buổi chiều, do lời mời của anh Nhất Linh. ...

Mùi hoa thoang thoảng, tiếng đàn tàu tam thập lục thánh thót bài Tiên-Hoa điệu. ...

Anh Tam [tức nhà văn Nhất Linh] vẫn viết. Tôi gọi anh để gọi là có chuyện để nói:

- Ai đánh Dường Khầm thế?

Anh Tam không trả lời thẳng, nhưng cất tiếng gọi:

- Thạch Lam à! Trọng Lang hỏi thăm đấy!

Tiếng đàn im bặt, thì ra nhạc sĩ là Thạch Lam, từ một căn phòng nhỏ, có che màn kín như phòng tối rửa ảnh, anh Thạch Lam gọi tôi hỏi:

- Vào đây Trọng Lang. Thế nào, chép cho bài Nhì Voòng chưa? Hình như tài sìu hay hơn sỉu tìu phải không, anh?

Tôi đáp:

- “Viết rồi, tiểu điệu (sỉu tìu) là ca lý. Ðại điệu là tuồng, kể thì mỗi thứ hay một cách.”

Giờ đây tôi xin nói rõ hơn: anh Thạch Lam đánh đàn tam thập lục khá hay, nhưng anh mới biết mấy bài Tiểu Ðiệu. Nên anh hỏi xin tôi vài bài thuộc đại điệu, như Nhị Vương, như Bang Tứ, vì anh biết tôi còn một nghề riêng là: biết kéo nhị tàu, và là người Việt Nam đầu tiên chơi nhạc tàu, do ông Trần Sềnh đào tạo.

nguồn: Trọng Lang (website)


Trong những năm 1930 có người Hà Nội rành các làn điệu nhạc Trung Quốc.  Thực ra người Hoa là dân tộc thiểu số Việt Nam có dân số cao nhất.  Trước 1980 Hà Nội khá đông người Hoa.  Đến bây giờ vẫn còn đông người Hoa ở Sài Gòn và ở lục tỉnh.  Nhưng tôi chưa thấy công trình hay bài viết nào viết nhạc Hoa ở Việt Nam hay ảnh hưởng của nhạc Hoa trong đời sống âm nhạc của người Việt.

Nói riêng về nhóm Tự Lực Văn Đoàn thì số 87 (năm 1934) của báo Phong Hóagiai điệu Ngũ Điểm do Lemur / Nguyễn Cát Tường minh họa.  Khi Tú Mỡ và Thế Lữ soạn lời châm biếm cho tuồng cải lương nghị viện (xem Ngày Nay 85 - năm 1937) thì họ cũng sử dụng đến điệu Ngũ Điểm.  Trong Hồi ký, quyển một (Thời ấu thơ), Phạm Duy cũng nhắc đến một số giai điệu nhạc Hoa từng nghe trên vỉa hè Hà Nội những năm 1920, 1930.  Còn nhạc hát tuồng / hát bộ / hát bội rất quen thuộc ở Việt thời bấy giờ.

Nhạc Trung Quốc rất gần gủi với người Việt xưa nay.  Vậy ca khúc Việt Nam thỉnh thoảng nghe na ná như nhạc Trung Quốc không phải một chuyện gây ngạc nhiên.

Không có nhận xét nào: