13 tháng 11, 2012

Tin Toà Án: Phan Thắng Toán và đồng bọn đã bị xét xử (News of the Court: Phan Thắng Toán and His Gang Are Sentenced) (1971)


nguồn: Hà Nội mới 12 tháng 1 1971, 2.


Trong ba ngày 6, 7, 8 tháng 1 1971, Toà án nhân dân thành phố Hà-nội đã xử sơ thẩm các bị cáo Phan Thắng Toán, Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Lộc, Hà Trung Tân, Trần Văn Thành, Lý Long Hoa, Phạm Văn Ngọ và Lê Văn Trung can tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phan Thắng Toán, 37 tuổi, hồi giặc Pháp tạm chiếm Hà-nội, đi lính ngụy và được điều sang làm ở bộ phận mật mã của cơ quan trung tâm nghiên cứu quân sự của địch.  Toán thú nhận sau khi ở lại miền Bắc, y đã có tư tưởng không ưa thích chế độ ta, tán thành quan điểm phản động của bọn "Nhân văn Giai phẩm" và luôn mơ ước có cuộc sống "tự do", trụy lạc như ở Mỹ và Sài Gòn.

Toán đã tập hợp một số phần tử xấu như: Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Lộc (lái ô-tô cho công ty hàng hóa Hà-nội, can tội lấy cắp xăng bị sa thải); Hà Trung Tân (không nghề nghiệp); Trần Văn Thành (thợ cơ khí bỏ việc về sống du dãng); Phạm Văn Ngọ (thợ nguôi bỏ việc về nhà nhà sống du đãng); Lý Long Hoa, v.v.. thành một ban nhạc nghiệp dư tụ tập chơi nhạc vàng.  Khi đi biểu diễn nhạc kiếm tiền ở những đám cưới, các cuộc liên hoan, chúng tìm cách đánh xen kẽ những bản nhạc vàng để truyền bá và thăm dò thị hiếu của lửa thanh niên.  Chúng phân nhau đi tìm mua đĩa hát loại nhạc vàng lọt vào được, đi sưu tầm các bài hát và nhạc vàng cũ, ghi chép các bản nhạc giật, nhạc tâm lý chiến của đài Mỹ và đài Sài-gòn.  Chúng dùng các bản nhạc này để luyện cho nhau những giọng hát, tiếng đàn thật là bi quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để đi truyền bá, lôi kéo thanh niên.  Chúng tự tâng bốc lẫn nhau tên này, tên nọ là "ca sĩ số 1", là "cây đàn số 1", v.v...

Do các thủ đoạn nói trên, bọn này đã rủ rê được một số nam nữ thanh niên ham thích âm nhạc, nhưng non nớt về nghệ thuật, tụ tập theo bọn chúng.  Chúng thường xuyên tổ chức chơi nhạc, với lối trang trí "huyền ảo", kếp hợp cả lời lẽ phỉnh phờ, với câu chuyện kể, về cuộc sống dồi bại các lối dâm ô trác táng điên loạn của giai cấp tư sản, chúng kích thích, dẫn dắt nam nữ thanh niên đi vào con đường dâm ô, trụy lạc.

Số thanh niên khi đã bị nhiễm độc thì sinh ra lười biếng, bỏ việc, bỏ học, bỏ nhà đi theo chúng.  Gia đình, nhà trường, cơ quan, xí nghiệp, bạn bè có khuyên răn và ngăn cấm thì chúng bực dọc; lúc đó, bọn Toán lại tiêm thêm cho họ cái nọc độc bất mãn, bằng triết lý cuộc sống "tự do" kiểu Mỹ bằng triết lý phản động "nghệ thuật vị nghệ thuật", rồi vu khống xã hội ta không có đất phát triển, v.v... gợi lên cho lứa tuổi thanh niên những ước mơ kỳ quặc, hoang đường, xa xăm, trừu tượng với nội dung cực kỳ phản động và cuối cùng chúng hướng cho lứa tuổi thanh niên ước mơ lối sống Mỹ và Sài Gòn, chống đối lại chế độ ta, trốn tránh nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ quân sự, v.v...

Những hành vi và thủ đoạn phạm tội nói trên của bọn chúng rất thâm độc và xảo quyệt, có ý thức phản cách mạng rõ ràng, đánh trực diện vào các mầm non của đất nước.  Một số nam nữ thanh niên đã bị thấm độc loại văn hóa trụy lạc này và đi vào con đường ăn chơi sa đọa dâm ô trụy lạc.  Một số khác đang có công ăn việc làm hoặc đi học, đá bỏ làm, bỏ học để ăn chơi sao đọa du đãng, cuối cùng phạm tội lưu manh, trộm cắp, kếp dâm, "làm tiền", hoặc tuyên truyền phản cách mạng.

Việc làm của bọn này đã gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tư trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà nước, nhất là chính sác lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự... xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người, và tuyên truyền xuyên tạc lại chế độ xã hội chủ nghĩa trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược.

Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nói trên, toà quyết định xử phạt Pha Thắng Toán 15 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Đắc, 12 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Lộc 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân; Hà Trung Tân, 8 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân; Lý Long Hoa, 6 năm tù giam và 3 năm bị tước quyền công dân; Trần Văn Thành, 5 năm tù giam và 3 năm bị tước quyền công dân; Phạm Văn Ngọ, 4 năm tù giam, và Lê Văn Trung, 18 tháng tù giam.

Toà cũng tuyên bố tịch thu các tang vật của các bị cáo và tiêu hủy tất cả các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phản động của các bị can và của những người có liên quan đến vụ án.

Qua vụ án chính trị phản động này, các bậc cha mẹ, các thầy, cô giáo, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ và các đồng chí phụ trách chính quyền các cấp càng thấy rõ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục lứa tuổi thanh thiếu niên, kịp thời ngăn chặn và phê phán nghiêm khắc đối với số thanh thiếu niên thích đàn đúm, mải chơi, nhác học, bỏ việc, bỏ nhà, lại có hiện tượng ăn mặc lố lăng, có hành động càn quấy.  Việc giáo dục này cần phải nhẫn nại kiên trì, nhưng cũng phải kiên quyết, triệt để trừ tận gốc, vạch mặt các phần tử xấu còn tiếp tục gây độc cho lứa tuổi thanh, thiếu niên.


Đây là một tư liệu tôi đã khám phá gần 10 năm trước đây mới cho phổ biên.  Thêm vài nhận xét -

1) Các người bị xét xử là người từng sống ở Hà Nội thời trước 1954, đa số là dân Hà Nội gốc.
2) Tính đến toàn bộ những người tham gia sinh hoạt ca hát này phải hơn vài trăm người ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.
3) Rất hiếm có những đối tượng phạm tội chính trị phản động đi trước toà án và bị xét xử một cách công khai như trường hợp này.
4) Theo tôi nghiên cứu không bao giờ có gì "sa đọa dâm ô trụy lạc" xảy ra.

Không có nhận xét nào: