nguồn: Thể Thao và Văn Hóa 16 tháng 10 2003
Tôi được nghe đến tên gọi “nhạc sến” lần đầu tiên năm 1995 lúc xếp hàng trước khi vào thính phòng nghe một chương trình nhạc truyền thống Việt Nam ở San Francisco. Tôi đứng cạnh một người đàn ông đứng tuổi lúc đang đợi chương trình bắt đầu. Điều thú vị cho tôi, ông là một người Hà Nội chính gốc sinh năm 1921 và đã suốt đời kiếm sống bằng nghề chơi nhạc.
Chúng tôi chuyện trò về nhạc Việt một cách rất thân mật và thoải mái. Tôi tỏ ý rằng rất thích các ca khúc bolero của miền Nam. Ông ấy đáp - “À, nhạc sến. Anh có biết chữ “nhạc sến” không?”, tôi trả lời “không”. Ông rằng: “Nhạc ấy cũng gọi là nhạc máy nước”. Ông ấy giải thích: Ngày xưa, trước khi có ống nước vào các nhà, các con sen, con ở phải xếp hàng ở máy nước công cộng để lấy nước mang về nhà. Các cô gái trẻ từ nhà quê ra tập trung chờ đợi lượt của mình thì được nghe như một đàn chim hót líu lo - này là chuyện trêu trọc, ngồi lê mách lẻo. Một nhu cầu nữa là ca hát cho vui, cho giải trí.
Ông ấy kể đến thời gian mà nhạc ấy được gọi nôm na bằng tên “dân ca mam-bô”. Các bài hát của phong trào này nghe rất khác nhạc sáng tác ở miền Bắc trước 1954. Nhạc cải cách vốn là nhạc trữ tình chủ yếu chịu ảnh hưởng của nhạc Pháp, nhạc cổ điển, và nhạc Hawaii. Ông phân biệt nhạc sến với “nhạc sang”, tức là nhạc sang trọng mà hiện nay được gọi là nhạc tiền chiến. Dân ca mam-bô gồm những bài hát của các nhạc sĩ như Hoàng Thi Thơ, Trịnh Hưng, Hoài An, Thu Hồ, Mạnh Phát… Các bài ca ấy viết theo ngũ cung miền Trung và miền Nam với phong cách nhịp nhàng và vui tươi. Loại nhạc này được phát triển thành nhạc bolero rất phổ biến đến bây giờ.
Thị trường nhạc tại miền Nam thời kỳ đó rất đa dạng. Các loại nhạc và tất cả các nghệ sĩ đều được thể hiện trên đài truyền hình. Đặc trưng của các đại nhạc hội của Sài Gòn xưa cũng được kế tiếp bởi các video Paris By Night sau này. Các chương trình phải có cái gì đó cho các lớp khán giả, từ trẻ đến già, từ sang đến… chưa sang. Và vì thế người nghe nhạc hay phân biệt giữa tân và cổ, ta và Tây, sang và không sang.
2. Khi tôi mới đến Việt Nam trong những năm 1990 nhiều người nói đến nhạc vàng, nhưng người ta rất ít (gần như không) nói về nhạc sến. Ở miền Bắc “nhạc vàng” là thuật ngữ để nói về tất cả các loại nhạc được phổ biến ở miền Nam (và ở các thành thị miền Bắc dưới thời chính quyền Pháp và Bảo Đại trước 1954). Sau năm 1975 nhạc vàng vẫn là tên gọi của các loại nhạc bị cấm từ trước, rồi các loại nhạc sản xuất ở hải ngoại. Thực ra nhạc vàng là nhạc thị trường theo góc nhìn của một xã hội bao cấp.
Tôi đề cập đến nhạc vàng vì những người chê loại nhạc bị gọi là nhạc sến cũng phê phán những nét “ủy mị”, “sướt mướt” đã từng đổ lỗi tại nhạc vàng. Cách giải nghĩa âm nhạc bằng những tính từ ấy gốc từ chính sách văn hóa Mao Trạch Đông thành phong trào “bài trừ nhạc màu vàng” của thời Hà Nội mới giải phóng và cũng làm ảnh hưởng chính sách văn hóa Việt Nam đến những năm Đổi mới.
Chữ “sến” thì gần như không có trong quyển từ điển nào. Tôi chỉ biết đến một trường hợp là quyển từ điểnVietnamese-English Student Dictionary (Từ điển Sinh viên Việt - Anh) - Southern Illinois University Press, 1971 của Nguyễn Đình Hòa dịch chữ sến là “kind of wood” (một loại gỗ) và “(slang) young woman” - (tiếng lóng - phụ nữ trẻ). Ông Hòa không định nghĩa thêm, nhưng vì biết đến nguồn của từ này thì tôi nghĩ rằng phải giải thích thêm - sến là chữ lóng nói đến phụ nữ trẻ từ nông thôn (lục tỉnh) ra. Dịch chữ sến cho chính xác hơn thì phải nói đến các từ như wench hay hussy. Hai từ ấy đều mô tả phụ nữ trẻ, gốc nông thôn, với phong cách thô tục ít hay nhiều.
Tóm lại thì chữ sến và nhạc sến bao gồm nhiều ý xấu. Chữ này biểu lộ thái độ miệt thị phụ nữ, người nông thôn, và dân lao động. Còn ngữ từ này là của dân miền Bắc tạo ra cũng chứng tỏ thái độ coi khinh văn hóa Nam. Một điều nữa tôi cũng nghĩ rằng từ nhạc sến chứa ít nhiều định kiến “xướng ca vô loài” của ngày xưa. Nghĩa là nhạc lịch thiệp không dơ tay vào việc chợ búa (là địa vị của phụ nữ), việc buôn bán, việc sinh sống. Như thế là trái với ý nhạc lịch thiệp mà phải được xã hội trợ cấp theo ý các nhà chuyên môn thanh khiết không ăn lương của kinh tế thị trường.
Theo cách nhìn ấy nhạc sến chỉ là đồ rẻ tiền bán ở thị trường. Nếu chữ sến được bỏ thì ý nghĩa đúng của dòng nhạc này sẽ được bộc ra. Cách đây gần 15 năm cố nhạc sĩ Văn Phụng nói cho tôi nghe rằng ông không thích thái độ miệt thị nhạc thịnh hành ở miền Nam và hải ngoại. Ông đề nghị gọi nhạc này bằng “nhạc dân tộc tính phổ thông”. Vài năm sau tôi được nói chuyện với cố danh ca Minh Trang. Bà ấy cũng không chấp nhận thái độ trên và chủ trương gọi nhạc này bằng “nhạc quê hương”.
Tôi nhất trí với bà Minh Trang. Nhạc quê hương bày tỏ một miền quê chung của những người còn sống ở làng quê hay những người vì nhu cầu đời sống phải sống xa quê. Cả lịch sử của Việt Nam trăm năm vừa qua là các chuyến đi của người dân quê vào các thành thị (hay các miền quê của họ bị thành thị hóa). Đời sống của bao thế hệ người nông thôn với những mối quan hệ thân thiết với người cùng xóm và với thiên nhiên bị gián đoạn bởi nhu cầu kiếm sống hay vì chiến tranh. Nhạc này đậm đà các điệu hò, lý miền Nam và điệu vọng cổ. Lời ca của nhạc quê hương nói đến các con sông, những bến đò chiều, những chuyến xe lam, những đường chiều nghiêng nắng, các mùa trái cây chín, mùa hoa nở… Và bao mối tình bị đoạn tuyệt vì các biển đổi trong đời thường của các người Việt Nam.
Bởi vì đa số người Việt còn sống ở nông thôn thì quá trình này sẽ không ngừng nối tiếp. Người đồng quê và từ đồng quê ra cần một luồng âm nhạc riêng bày tỏ nỗi niềm của họ. Trong môi trường mới ở thành thị rất khác với đời sống êm ấm ngày xưa trong trí nhớ, mọi người cần đến một luồng âm nhạc “tri kỷ” thông cảm với hoàn cảnh mình.
Các nhạc sĩ, nhà phê bình hay nhà báo tung ra chữ nhạc sến để tỏ một thái độ không đẹp với dân nghèo Việt Nam. Tất nhiên mỗi người được phép phát biểu ý kiến về chất lượng của tất cả các loại âm nhạc, nhưng họ không nên xúc phạm người nghe nhạc ấy. Tôi đề nghị bỏ chữ nhạc sến trong việc bình luận âm nhạc.
Lễ chung Các Thánh Tử Đạo IV – Hoàng Đan.
2 giờ trước
2 nhận xét:
"Còn ngữ từ này là của dân miền Bắc tạo ra cũng chứng tỏ thái độ coi khinh văn hóa Nam" Ý nhạc sĩ muốn nói đến những người miền Bắc vào Nam sau 75, hay sau 54 và trước 75? Nhà văn Duyên Anh là một trong những người dùng chử "nhạc sến" thường xuyên trong những bài tạp bút(có người gọi là phiếm) trên các báo Sống, Con Ong, Tuổi Ngọc, để trào phúng và châm biếm xã hội miền Nam vào lúc ấy (64-75) Phải nói nhà văn này là người có công đầu phổ biến từ ngử "nhạc sến" đến đại chúng miền Nam thời nội chiến hai miền(54-75). Tôi nghiêng về giải thích của một ngưỜi VN ông gặp ở SF, về xuất xứ của từ ngữ "nhạc sến". Nó giống như lời giải thích của nhà văn DA đã viết, nhưng tôi không nhớ số báo nào và thời điểm nào.
Cám ơn bạn viết nhận xét này. Có lẽ bạn nói đúng - ý bạn rất hợp lý. Các báo Sài Gòn cũ là một kho tàng quý báo về Việt Nam. Nếu ai có thông tin chính xác hơn về vai trò của nhà văn Duyên Anh làm phổ biên chữ nhạc sến thì xin báo cáo.
Đăng nhận xét