(ban Kim Thư - bức ảnh chụp 1944 - từ trái qua phải: Đoàn Thọ, Lê Ngắt, Vũ Chấn, người ở sau là Đoàn An)
Gần đây tôi được nhận tin buồn rằng nhạc sĩ Vũ Chấn qua đời. Nền nhạc Việt mới bắt đầu thịnh hành từ cuối thập niên 1930, và yếu tố chính là do có những thanh niên thành thị học các đàn Tây và lò mò bắt đầu sáng tác những bài ca mới. Vũ Chấn là một trong những thanh niên ấy. Tôi làm quen với Vũ Chấn tại một buổi biểu diễn của Nguyễn Thuyết Phong ở San José cách đây mười mấy năm.
Ông lên lớn trong một gia đình gia giáo, như vậy cha của ông không cho ông theo nghề nhạc. Nhưng ông bị mê hoặc và cứ theo nghề nghiệp xướng ca vô loại ấy. Vũ Chấn sinh ngày 9 tháng 2 năm 1921 ở Cự Đà, tỉnh Hà Đông. Cùng thời với ban Myosotis của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước và Vũ Khánh ông chơi với ban nhạc Arianas ở Hà Nội. Hai ban nhạc ấy chơi lúc khai trường Duvillier một năm nào đó (1939?). Ông Chấn nói rằng các ban nhạc lúc bấy giờ cũng ghen ghét nhau muốn cho rằng mình hơn người kia.
Năm 1943 ông trúng xổ số rồi đi vào Sài Gòn. Ông gặp ba thanh niên miền Bắc và lập ra một tiệm dạy đàn (ở 122 Rue Hamelin) và một ban nhạc. Theo Lê Thương ban nhạc có tên Kim Thư. Ban nhạc này gốm Vũ Chấn, Đoàn An, Lê Ngắt và Đoàn Thọ và có nhạc sĩ Đức Quỳnh hát cùng với mấy nữ ca sĩ gầm những cô đầu miền Bắc ở Sài Gòn.
Thời ấy Thần Điện Tử (tức Nguyễn Văn Cổn) viết bài "Đoàn nhạc sĩ trẻ tuổi" về ban nhạc của bốn người bạn này trong tạp chí Radio Indochine 1 Aout (tháng 8) 1944, trang 14. (Ông Cổn mới viết một bài về Phạm Duy đến chơi nhạc trên Đài phát thanh 3 tháng sau, lúc tháng 11 1944). Theo bài này: "Người đáng yêu trong bốn bạn, đó là Vũ Chấn. Chấn người cũng cao lớn, giỏi âm nhạc và tự chàng cũng đã đặt nhiều bản đàn rất hay."
Khi Cách mạng Tháng 8 bùng nổ Vũ Chấn vẫn có mặt ở Sài Gòn và được Lưu Hữu Phước cử làm trưởng một ban nhạc Thanh Niên Tiền Phong. Một thời gian sau ông và các bạn về miền Bắc. Đoàn An đi theo kháng chiến và bị chết khi Pháp tấn công Hải Phòng tháng 11 1946. Lê Ngắt đi Pháp ở. Vũ Chấn một thời gian đi Lào Cai cùng Quốc Dân Đảng chơi nhạc. Rồi ông về Hà Nội chơi nhạc trong ban nhạc Bảo Chính Đoàn ở Hà Nội. Từ năm 1954 đến 1963 ông chỉ huy một ban nhạc Bảo An địa phương ở miền Nam. Ông biết chơi các đàn ghi-ta mandoline, côngtrabátxơ và kèn trombone. Năm 1989 Vũ Chấn sang Mỹ.
Dù không phải là nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng Vũ Chấn đã sọan hơn 30 tác phẩm. Ông viết nhạc từ năm 1942 với bài "Đêm trăng." Tôi chỉ biết đến 5 tác phẩm được xuất bản là các bài "Quê tôi" (Nxb Á Châu, 1953), "Cô Tây đen" (Nxb An Phú, 1953), "Một tai nạn" (Tức "Cô Tây đen II" - Nxb An Phú 1954), "Lính ba gai" (Nxb An Phú, 1954), và "Lấy ai" (Nxb Trưng Vương, 1955). Ông sáng tác bài "Đánh giầy" (Nxb An Phú, 1955) cùng nhạc sĩ Hoàng Trọng. Theo Hoàng Trọng, Vũ Chấn viết nhạc "châm biếm." Không phải tất cả các bài hát của ông theo kiểu ấy, nhưng nói thế về bài nổi tiếng nhạc của ông là "Cô Tây đen" cũng được.
Cảm hứng của bài hát "Cô Tây đen" nằm ở bài thơ cùng tên của nhà thơ Tản Đà viết năm 1918. Cô Tây đen đối với Tản Đà là gái Việt lấy chồng người Ấn Độ. Thi sĩ "tiếc cho phận gái má đào / Tham đồng bạc trắng mới gán mình vào cái chú Tây đen." Với bài hát của Vũ Chấn sáng tác năm 1952 cô ấy là người vợ của lính châu Phi. Nhạc của ông rất gần với ngũ cung xứ Việt và ông cũng lấy ra mô-típ của nhạc chầu văn với lời ban đầu "Ơ rừng mái, rừng me". Vũ Chấn mô tả cảnh Hà Nội "tạm chiếm" với cô vợ của người Tây đen "tay xách ví đầm, tay giắt 'Bẹc-giê' (chó berger). Lúc bấy giờ có Mạnh Phát và Đức Quỳnh hat bài "Cô Tây đên." Thập niên 60 có băng "Số Dzách" với một cảnh hề với chủ đề "Cô Tây đen" sử dụng đến bài hát của Vũ Chấn với nhịp điệu habanera, và Văn Sơn hát theo nhịp rock kích động. Vũ Chấn bảo là không thích hát kiểu hài hước ấy. Nhưng đến thời ấy cô Tây đen này phải là người vợ hay bạn gái của một người lính Mỹ đen.
Vũ Chấn lặng lẽ mà đi ngày 6 tháng 11 năm 2006 ở Westminster, California. Chỉ có nhà thơ Nguyễn Đình Toàn viết một bài ngắn về ông trong báo Người Việt Daily (13 tháng 1 2007). Tôi nghĩ rằng trong nhạc sử có những người được lăng xê và có những người biết tự lăng xê. Vũ Chấn cũng khiêm tốn, vậy cũng khó biết nhiều về nhạc của ông, vậy ít người có điều kiện nghe nhạc của ông để đánh giá như thế nào. Nhưng nhất ông là một nhân vật đáng kể đến của một thời và tôi thấy rất hân hạnh đã được quen biết ông. Jason Gibbs soạn 24 tháng 9 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét