4 tháng 12, 2016

trích Tam Quốc tân thời diễn nghĩa (1935)


Một chốc tiệc tan, mở cuộc khiêu vũ, Lã-Bố ôm Điêu-Thuyền nhảy theo điệu Fox-trott lấy làm khinh khoái vô cùng.
Khiêu vũ xong, Điêu Thuyền lại ngồi xuống trước cây đàn piano, vừa đánh vừa lên tiếng hát theo điệu "J'ai deux amours":

Giò này giò nóng,
Ai có mua thì xin cứ
Bỏ một hào ra.
Ai muốn mua thì mua...


Lã-Bố mê mẩn tâm thần, đứng bên dùng dằng một hồi rồi ...

nguồn: Phong Hóa 133 (18 tháng 1 1935), 3.

Phương Đông gặp phương Tây có dễ đâu! Nói cho đúng hơn văn hóa Trung Quốc gặp văn hóa Pháp.  Hay nói một cách khac bệnh dịch cải lương gặp bệnh dịch khiêu vũ.  Hay gái tân thời gặp trai lỗi thời?

Thường lệ thì trai mặc âu phục và gái thì mặc quốc phục.  Ở đây cô Điêu Thuyền mặc quần áo Việt theo mốt.

"J'ai deux amours" là một bài ca Pháp được thịnh hành từ năm 1930.  Phạm Duy đã từng nhắc rằng Phong Hóa đã in những lời Việt hóm hỉnh ở trên.  Năm 1941 Vũ Bằng cũng dẫn những lời ca tiếng Việt ở trên.  Ông viết về một buổi hát cải lương:
[C]húng tôi xin chịu cả cái lối hát gì mà Bàng Quý Phi mặc quần áo đầm, chiếu projecteur tây, lại cầm cái quạt lông Anh, nói tiếng ta, diễn sự tích Tàu mà lại cho vào một điệu “con chó xồm cắn con chó lài, gầu gấu gấu gầu” trong khi vua Tống Nhân Tôn mặc áo long bào, đi giầy tây trắng ca một bài − tôi không nói đùa − một bài theo điệu “giò này giò nóng, ai muốn mua thì xin cứ ứ ứ ứ!” Để xin “vởi mẩu hẩu” (sic) cho Bàng Quý Phi thoát tội tam ban triều điển… Thực là trào phúng, thực là mỉa mai cho nghề hát!
Tôi phải tự hỏi Vũ Bằng có chứng kiến cảnh ở trên?  Hay chỉ nghe nói?  Vì cảnh ấy cũng na ná giống như cảnh "Tâm Quốc tân thời diễn nghĩa" trên trang Phong Hóa.  Đây là như chủ nghĩa dada của nghệ thuật hiện đại.  Thực ra đông và tây mới gặp nhau thì cũng khó phù hợp, nhưng cũng thú vị và mới lạ.

Không có nhận xét nào: