10 tháng 12, 2010

Nhạc Beatles đến Việt Nam như thế nào? - Jason Gibbs (2010)

Nguồn: Thể thao và văn hóa (7 tháng 12 2010).

(TT&VH Cuối tuần) - Năm 1964 nhạc của The Beatles bùng nổ khắp thế giới và tạo nên một cuộc cách mạng trong văn hóa phổ thông của giới trẻ. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy ấy. Người Việt mê và nghe The Beatles từ khi nhóm tứ quái ấy vừa mới trở thành một hiện tượng quốc tế, có nghĩa cũng đã ngót nghét nửa thế kỷ.

Các fan được biết đến The Beatles qua các đĩa nhựa 45 vòng, từ chương trình nhạc nước ngoài của Đài Quân đội Sài Gòn hay các tạp chí âm nhạc thời trang như Salut les compains (Chào các bạn). Nhiều nhạc sĩ trẻ cũng được học nhạc The Beatles qua các ban nhạc Phi Luật Tân như The Six Uglies (Sáu đứa xấu)…

Từ Sài Gòn

Ở Sài Gòn lúc bấy giờ The Beatles thuộc loại kích động nhạc mà từ đầu thập niên 1960 được nghe khá nhiều tại các đại nhạc hội. Nhiều nhóm nhạc vốn trước đó rất thích theo khuôn khổ của The Shadows hay The Ventures (guitar solo, accord, bass và trống) thấy nhạc Beatles ra đời lập tức theo ngay. Họ cũng rất ưa thích thời trang của The Beatles. Nhạc sĩ Tùng Giang kể rằng mọi người cũng ăn mặc giống như The Beatles. Các nam học sinh tuổi choai choai thích để tóc dài (một cách phản đối thế hệ trước của tuổi teen 5x). Nói chung, ảnh hưởng văn hóa của The Beatles trong giới teen thượng lưu ở Sài Gòn đã rất rộng lớn.

Nhạc The Beatles đến với Việt Nam bằng những cách bất đắc dĩ. Một người lính Mỹ kể rằng các bạn của ông thích nghe chương trình tiếng Anh của đài Hà Nội với xướng ngôn viên mà họ nôm na gọi là “Hanoi Hannah”. Họ thấy rất thú vị lúc bà cho phát một ca khúc nổi tiếng của The Beatles là A Hard Day’s Night. Một lính Mỹ khác ở Tây Nguyên cũng nhắc rằng người bản xứ rất thích nghe đài Mỹ và thường hát Hey Jude với nhau.


Một chương trình Hoài niệm cùng John của RFC được tổ chức tại NVH Thanh niên TP.HCM ngày 8/12/2000

Đến Hà Nội - Hải Phòng

Có lẽ điều lạ nhất là cách phổ biến The Beatles ở ngoài Bắc thời chiến tranh. Thuở ấy nhạc The Beatles được xếp vào loại màu vàng (vì chất “giật gân” hay “đồi trụy”) và bị gọi là “nhạc xập xình”. Về nhạc pop rock nói chung và nhạc The Beatles nói riêng chủ yếu lan truyền trong các thanh niên Việt kiều Tân Đảo mới về miền Bắc đầu thập niên 1960 (Tân Đảo là hòn đảo Nouvelle Calédonie, bây giờ là lãnh thổ thuộc Pháp. Trước năm 1945 nhiều người Việt làm phu mỏ thiếc ở đây). Thanh niên Tân Đảo là những người ít ỏi được mang về các thiết bị như đàn guitar điện, trống và các đĩa hát. Họ cũng tập trung chơi nhạc với nhau để đỡ buồn. Nhiều người cho rằng họ chơi nhạc The Beatles khá nhất. Dù biết chơi nhạc loại này là trái xu hướng xã hội lúc bấy giờ nhưng vẫn có người trong số này cho rằng “âm nhạc không có biên giới”.

Thanh niên Hoa kiều cũng rất ái mộ nhạc The Beatles. Ở ngoài Bắc, đồng bào Hoa kiều do quan hệ ngoại giao thân với Trung Quốc lúc bấy giờ nên được ưu đãi ít nhiều, nói chung họ sống với điều kiện khá giả hơn vì gia đình được phép buôn bán. Họ cũng được nghe nhạc Beatles thoải mái qua đài Hong Kong. Ở Hà Nội thời điểm ấy từng có một nhóm bạn 3 người gốc Hoa đã thành lập một nhóm gọi là Bít-Tầu phục vụ các đám cưới trong cộng đồng. Họ chơi các bài như Here Comes the Sun, Something, Let it Be, Yesterday…

Trong những người ngoài Bắc mê nhạc The Beatles thời chiến tranh cũng có “thành phần không sản xuất”. Vì lý lịch (bố làm việc cho chính phủ Bảo Đại trước 1954 chẳng hạn) họ không được nhiều điều kiện đi học, khó xin được công việc tốt và vì vậy luồng nhạc trẻ quốc tế có sức hấp dẫn đặc biệt vì họ cảm thấy được an ủi phần nào.


Vé chợ đen bán khá chạy trước một chương trình tưởng niệm ngày mất của John Lennon tại Hà Nội vào năm 1993

Niềm đam mê nghe và chơi nhạc The Beatles được phát triển ở Hải Phòng hơn là Hà Nội. Hải Phòng là đất cảng và đa số là công nhân sản xuất. Đáng chú ý là thanh niên “lệch lạc” vùng này thỉnh thoảng chơi nhạc xập xình thì không bị coi như vấn đề lớn. Khác với các vùng khác thời chiến, Hải Phòng thường xuyên có nhu cầu tổ chức đám cưới phải có ban nhạc hát sống. Nhạc tiền chiến và nhạc vàng Sài Gòn bị cấm triệt để và vì thế các ban nhạc phục vụ đám cưới cho dân Hải Phòng chỉ chơi nhạc ngoại quốc. Và tất nhiên trong số đó có rất nhiều bài vui tươi của The Beatles. Vì sống ở thành phố cảng, nhiều nhạc công người Hải Phòng cũng có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài. Ở Câu lạc bộ Thủy thủ họ gặp các thủy thủ trên tàu Philippines, Ba Lan, Pháp và Hong Kong. Những thủy thủ này đã rất khuyến khích và cung cấp đàn, tư liệu âm nhạc giúp các nhạc công Hải Phòng tìm hiểu nhiều hơn về nhạc quốc tế.

Người Hà Nội mê nhạc The Beatles kín đáo hơn dân Hải Phòng. Có những trường hợp một số ít bạn bè tụ tập nghe đĩa và nghe đài, nhất là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Có một số chơi nhạc The Beatles và tập thường xuyên tuy nhiên thường làm nhiều cách để không bị để ý. Cũng có lần mọi người tụ họp chơi nhạc thì công an đến kiểm tra. Thường thì họ báo cáo với công an rằng họ không chơi nhạc Việt Nam mà là nhạc của… Cuba.

Nhạc The Beatles là một điều ám ảnh cho những thanh niên này - họ đam mê The Beatles dữ dội và suốt ngày tập nhạc với mục đích là chơi cho y hệt tứ quái Liverpool. Ở Hà Nội các nhạc công không được phép chơi nhạc đám cưới vì thế các ban nhạc cố gắng được chơi nhạc The Beatles ở Câu lạc bộ Quốc Tế để phục vụ khách nước ngoài. Các nhạc công này phải chịu khó kiếm đàn, họ phải đẽo đàn guitar điện, tìm ampli và thuê trống từ Đoàn Xiếc Hà Nội.

Những người nghe nhạc The Beatles cảm thấy như họ văn minh theo tiêu chuẩn quốc tế. Có một số thanh niên cũng để tóc dài và mặc quần ống loe như ở miền Nam.

Trong hồi ký của mình nhạc sĩ Tô Hải có nhắc đến các cửa hàng Xunhasaba bán các đĩa nhựa quốc tế như của The Beatles được xuất bản ở Đông Âu. Chắc đó là từ thập niên 1970, thời mà Liên Xô xuất bản các đĩa lậu có nhạc The Beatles. Đối với các tay nghe nhạc dữ dằn thì đĩa The Beatles phải có logo Apple (Quả Táo) mới là hàng xịn. Họ kiếm đồ quý hiếm này qua bạn bè có quan hệ ngoại giao (làm ở đại sứ quán Thụy Điển chẳng hạn) hay quen người đi công tác nước ngoài.

Sau khi Việt Nam được thống nhất năm 1975 thì những người mê nhạc The Beatles của hai miền được gặp nhau. Nhạc thời kỳ này được gọi chung dưới một cái tên: Nhạc nhẹ. Một số nhạc công như Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng Húp), Nguyễn Văn Hào (Hào trống) đã chơi nhạc này cho các đám cưới cùng các nhạc công trong ban nhạc của Đoàn Ca múa nhạc Thăng Long.

Các tờ báo ở Việt Nam không đăng tin John Lennon bị ám sát ngày 8/12/1980. Nhưng ở thập niên 1980 thì tư liệu về The Beatles đã có thể tìm kiếm ở Việt Nam khá dễ dàng. Đối với các tay muốn học nhạc rock từ Bắc chí Nam thì học chơi nhạc của The Beatles như là một nghi lễ bắt buộc. Các ban nhạc mới lập phải tập các bài hát này trước khi dám chơi trước công chúng hay khi họ chơi những ca khúc tự sáng tác.

The Beatles cũng là một cảm hứng lớn cho các nhạc sĩ muốn soạn nhạc theo phong cách pop rock. Các nhạc sĩ như Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Đức Huy hay Tùng Giang đã chịu ảnh hưởng khá nhiều của nhóm này.

The Beatles mang tính ảnh hưởng toàn cầu, họ làm nên cuộc cách mạng văn hóa. Cuộc cách mạng văn hóa ấy đã đến, thay đổi và ở lại cho dù gần nửa thế kỷ đã trôi qua.

1 nhận xét:

xìgà nói...

Rất thích bài này anh ạ.